Vụ Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP. Đà Nẵng tát nữ nhân viên y tế: Phải xử lý nghiêm minh
(LSVN) - Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đánh giá, ông Trần Vinh là một Đảng viên, một cán bộ nhà nước nhưng lại thể hiện thái độ, cách cư xử thiếu nhã nhặn, thiếu văn minh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của cơ quan nhà nước trong dư luận xã hội. Tát vào mặt nữ nhân viên y tế là một hành vi vũ phu, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, thể xác của người khác.
Những ngày qua, câu chuyện ông Trần Vinh, Phó Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP. Đà Nẵng, trong quá trình làm xét nghiệm Covid-19 tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng xảy ra xích mích và tấn công nữ nhân viên y tế đang thực hiện nhiệm vụ, gây xôn xao dư luận.
Cụ thể, vào ngày 01/8, khi chị Phan Thị Loan, nhân viên khoa xét nghiệm thuộc Trung tâm y tế quận Sơn Trà đang thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân trong khu phong tỏa đường Nguyễn Hiền, phường Nại Hiên Đông thì bị ông Trần Vinh, người được lấy mẫu ra tay đánh vào vùng mặt bên phải.
Tại cơ quan Công an, ông Trần Vinh lại cho rằng nữ nhân viên y tế này lấy mẫu cho cháu bé lượt trước không kỹ, có vẻ sơ sài, qua loa nên ông Vinh có nhắc nhở. Đến lượt ông Vinh, cô này dùng que lấy mẫu ngoáy 3,4 lần vào mũi khiến ông Vinh bị đau nên ông Vinh “gạt tay trúng mặt” cô Loan. Tuy nhiên, nữ nhân viên y tế khẳng định cô bị tát chứ không phải bị “gạt tay trúng mặt”.
Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác
Về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho biết, nếu cơ quan chức năng xác định ông Trần Vinh, Phó Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP. Đà Nẵng có hành vi tát nữ nhân viên y tế như thông tin báo chí đã đưa thì ông này cần phải được xử lý nghiêm minh, nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.
Đại biểu Hòa đánh giá, ông Vinh là một Đảng viên, một cán bộ nhà nước nhưng lại thể hiện thái độ, cách cư xử thiếu nhã nhặn, thiếu văn minh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của cơ quan nhà nước trong dư luận xã hội. Tát vào mặt nữ nhân viên y tế là một hành vi vũ phu, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, thể xác của người khác.
Nhất là trong thời điểm tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, các cán bộ y tế ở tuyến đầu chống dịch đang phải căng mình chống dịch, thì hành vi của ông Vinh còn đi ngược với đạo đức. Chính vì vậy, càng cần phải thi hành kỷ luật kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm minh để lấy đó làm gương, làm bài học.
Sự việc xảy ra gây bức xúc trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng nên xử thật nặng với hành vi chống đối người thi hành công vụ, đặc biệt là trong khi cả nước đang gồng mình chiến đấu chống lại dịch bệnh Covid-19.
Có xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự?
Cùng về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội có ý kiến nhận định:
Để làm rõ việc này, theo Luật sư Hoài, trước tiên cần hiểu thế nào là “người thi hành công vụ” và thế nào là “hành vi chống người thi hành công vụ”.
Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài.
Theo Nghị định 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013, người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội. Theo đó, hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.
Người có hành vi chống người thi hành công vụ có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt lên tới 5.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình về hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ.
Hoặc bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với tội “Chống người thi hành công vụ” quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:(i) Có tổ chức; (ii) Phạm tội 02 lần trở lên; (iii) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; (iv) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; (v) Tái phạm nguy hiểm.
Trong trường hợp này, để kết luận ông Vinh, Phó Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP. Đà Nẵng có hành vi chống người thi hành công vụ hay không còn phụ thuộc vào việc điều tra, xác minh của các cơ quan chức năng. Trong tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp và căng thẳng, rất cần cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm minh để đảm bảo hiệu quả trong việc phòng, chống dịch.
Luật sư Thu Hoài cũng nhấn mạnh thêm, trường hợp nếu người vi phạm là Đảng viên thì còn có thể bị xem xét xử lý kỷ luật về Đảng.
Toàn văn bài trả lời được đăng tải trên trang của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Mời Quý vị tham khảo:
CÔNG TY LUẬT TNHH THUẾ VÀ LUẬT HÀ NỘI
Toà nhà số 14 Khúc Thừa Dụ, Cầu Giấy, Hà Nội.
0917.157.698 - 052.234.8879 hoặc (024) 22. 159.123
Cùng chuyên mục
- Những điều kiện phải đáp ứng khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất
- Tẩy xóa, sửa chữa nội dung trên "Sổ đỏ" có thể bị phạt đến 5 triệu đồng
- Người dân cần làm gì khi bị thu hồi đất mà không có thông báo thu hồi?
- XỬ PHẠT ĐẾN 20 TRIỆU ĐỐNG NẾU QUẢNG CÁO THỰC PHẨM CHỨC NĂNG KHÔNG CÓ GIẤY PHÉP QUẢNG CÁO
- LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRA CỨU VÀ ĐĂNG KÝ GIẤY PHÉP QUẢNG CÁO?