logo HANOILUAT

CONSULTANT & SOLUTIONS

Tọa đàm 'Quy định về xin cấp giấy phép môi trường: Những vấn đề pháp lý và thực tiễn'

Sáng ngày 28/3/2023, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Trưởng ban chính sách luật sư, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thuế và Luật Hà Nội đã có buổi tham dự Toạ đàm do Tạp chí Luật sư Việt Nam - Cơ quan của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức.

Nên gọi là “Giấy phép bảo vệ môi trường”

Tại buổi toạ đàm, LS Nguyễn Thu Hoài, Phó trưởng Ban Chính sách luật sư, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã có những ý kiến trao đổi thiết thực liên quan đến Giấy phép môi trường. Theo Luật sư Thu Hoài, quy định về giấy phép môi trường (GPMT) là một nội dung mới trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đây là một loại giấy phép vừa có giá trị pháp lý về BVMT, vừa đem lại lợi ích kinh tế cho các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về GPMT ở nước ta trong thời gian qua cũng cho thấy nhiều hạn chế. Cụ thể, pháp luật còn thiếu quy định chi tiết, cụ thể về điều kiện cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát đối với các trường hợp doanh nghiệp xin cấp các loại GPMT vượt quá quy mô, tính chất của dự án hoạt động cũng như yêu cầu về BVMT của dự án. Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (điểm c khoản 1 Điều 28), quy định các doanh nghiệp phải hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường rồi mới làm hồ sơ xin GPMT. Đây là một rủi ro cho doanh nghiệp cần phải lưu ý khi chi phí đầu tư cao cho các công nghệ xử lý nước thải, xử lý chất thải và các hệ thống quản lý môi trường khác. Chi phí đầu tư cao này có thể khiến cho việc xin giấy phép môi trường trở nên khó khăn hơn. Việc nâng chi phí thẩm định có thể là một rào cản đối với các doanh nghiệp trong việc xin giấy phép do chi phí thẩm định cao, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được sẽ rất khó để có thể xin giấy phép. Do đó, doanh nghiệp phải cân nhắc thật kỹ trước khi làm các thủ tục xin Giấy phép môi trường.

Luật sư Nguyễn Thu Hoài, Phó trưởng Ban Chính sách luật sư, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Thực tế trong quá trình cấp GPMT, nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng thời gian theo quy định chỉ khoảng 30 - 45 ngày làm việc (khoản 4 Điều 43 Luật BVMT năm 2020). Tuy nhiên, theo quy định hiện tại, việc tích hợp nhiều loại giấy phép trong một sẽ mất nhiều thời gian để kiểm tra, xác minh, thẩm định về việc đáp ứng các điều kiện theo luật định. Vì vậy, thời gian thực tế để xin được GPMT thông thường phải mất ít nhất là 01 năm hoặc hơn 01 năm.

GPMT theo Luật BVMT năm 2020 đã tích hợp các loại giấy phép theo Luật BVMT năm 2014, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Thuỷ lợi năm 2017. Việc này sẽ tránh được sự chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn trong nội dung cấp phép và giảm được thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm vấn đề ô nhiễm môi trường được kiểm soát cũng như giúp doanh nghiệp cắt giảm được nhân lực bố trí cho hoạt động xin các loại giấy phép. Doanh nghiệp cũng chủ động hơn trong việc tuân thủ pháp luật do chỉ phải thực hiện đúng theo một giấy phép. Tuy nhiên, với quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về GPMT, có thể xem xét về tên gọi giấy phép: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sử dụng tên giấy phép là GPMT nhưng nội dung của giấy phép là kiểm soát các hoạt động hành vi gây tác động xấu tới môi trường và không bao gồm toàn bộ hành vi liên quan đến môi trường nên phạm vi của tên giấy phép rộng hơn nội dung của giấy phép. Bên cạnh đó, giấy phép này được quy định trong văn bản luật có tên là Luật Bảo vệ môi trường nên tạo ra sự không phù hợp giữa tên gọi của giấy phép với tên của văn bản luật.

LS Hoài kiến nghị trong trường hợp có sửa đổi bổ sung Luật về sau, nên gọi giấy phép này là “Giấy phép bảo vệ môi trường” để bảo đảm tính thống nhất giữa nội dung và tên gọi của giấy phép và tên của văn bản Luật.

Buổi tọa đàm còn có sự tham gia của các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, Luật sư và doanh nghiệp nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia pháp lý, Luật sư, doanh nghiệp cùng đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp giấy phép môi trường.

Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm:

ThS Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam; TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đồng chủ trì buổi Tọa đàm.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Chi tiết vui lòng xem tại:

 https://lsvn.vn/tong-thuat-toa-dam-quy-dinh-ve-xin-cap-giay-ph...03.html

-----------------------------------------

CÔNG TY LUẬT TNHH THUẾ VÀ LUẬT HÀ NỘI

Toà nhà số 14 Khúc Thừa Dụ, Cầu Giấy, Hà Nội.

0917.157.698 - 052.234.8879 hoặc (024) 22. 159.123

luatsutuvan@hanoiluat.vn

Cùng chuyên mục

0917157698
Zalo Logo