[BỘ LUẬT LAO ĐỘNG 2019] – NHỮNG ĐIỀU NGƯỜI LAO ĐỘNG CẦN BIẾT ĐỂ TỰ BẢO VỆ MÌNH
Ngày 01/01/2021, Bộ Luật lao động 2019 sẽ chính thức có hiệu lực, nhiều quy định mới, thay đổi lớn sẽ tác động trực tiếp đến người lao động. Vậy, những điểm nào người lao động cần phải đặc biệt lưu ý để quyền và lợi ích hợp pháp của mình được bảo đảm sau thời điểm 01/01/2021? Trong nội dung bài viết này, Công ty Luật TNHH Thuế và Luật Hà Nội (Hà Nội Luật) sẽ cập nhật, phân tích một số điểm mới của Bộ Luật lao động 2019 để người lao động tiện theo dõi, thực hiện.
Thực tế, quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê, sử dụng lao động, trả lương giữa người sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, một trong những đặc điểm nổi bật của quan hệ lao động là:nhóm Người lao động thường ở thế yếu và có xu hướng phụ thuộc vào nhóm Người sử dụng lao động. Cụ thể, người sử dụng lao động có quyền tổ chức, quản lý quá trình làm việc của người lao động, đưa ra những quy định, quy chế mà người lao động phải tuân thủ, đồng thời có quyền áp dụng những chế tài xử phạt khi người lao động vi phạm quy định.
Do vậy, để rõ ràng và nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, Bộ Luật lao động 2019 đã đưa ra những quy định mới sau đây:
1. Bổ sung quy định về bảo vệ tiền lương cho người lao động
Để tránh xảy ra việc người sử dụng lao động (nắm bắt được tâm lý một số người lao động ở thế yếu, vì ngại hoặc vì sợ mất việc làm mà không dám lên tiếng để thắc mắc và bảo vệ quyền lợi của mình) có thể tính lương không minh bạch, dẫn đến hiện tượng người lao động bị trừ lương không rõ lý do/ hay thậm chí còn không biết được mức lương chính xác của mình là bao nhiêu? Bộ Luật lao động 2019 đã cụ thể hóa quy định về minh bạch trong vấn đề tiền lương.
Theo quy định của Bộ luật mới 2019, mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo rõ ràng bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, nội dung, lý do trừ lương và số tiền bị khấu trừ (nếu có).
Căn cứ quy định này của Luật, trường hợp người sử dụng lao động không có bảng kê rõ ràng, minh bạch các khoản chi trả lương thì người lao động cần chủ động lên tiếng, yêu cầu được làm rõ khi những quyền lợi này bị xâm phạm.
2. Thời hạn tập nghề của người lao động không được quá 03 tháng
Tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc. Tập nghề là khái niệm chỉ việc dạy nghề theo lối lấy thực hành là chủ yếu, mặc dù có sự hướng dẫn nhưng mục tiêu không phải là để cấp chứng chỉ nghề mà để tập nghề thành thạo phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Trong thời gian tập nghề, nếu người tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận.
Do Bộ Luật lao động 2012 trước đây chưa có quy định về thời hạn tập nghề nên theo đó, một số đơn vị sử dụng lao động đang lách luật, lợi dụng quy định này để tuyển dụng người lao động vào tập nghề, học việc với mức lương thấp hoặc không trả lương nhằm tận dụng sức lao động và giảm thiểu kinh phí.
Để khắc phục tình trạng bất cập này, Bộ Luật lao động 2019 đã quy định: thời hạn tập nghề theo quy định pháp luật là không quá 03 tháng. Theo đó, người lao động được tuyển dụng dưới hình thức tập nghề sau khi kết thúc thời hạn 03 tháng sẽ có quyền yêu cầu người sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động để được hưởng lương và các quyền lợi theo đúng quy định pháp luật trong trường hợp vẫn tiếp tục làm việc.
3. Thêm trường hợp người lao động nghỉ việc riêng mà vẫn được hưởng nguyên lương
Cụ thể, người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương (phải thông báo với người sử dụng lao động) trong những trường hợp sau đây:
- Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
- Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
Như vậy, so với quy định hiện hành, Bộ Luật lao động 2019 bổ sung thêm trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi; cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết thì người lao động được nghỉ 03 ngày.
4. Người lao động được quyền nghỉ việc mà không cần lý do
Khác với quy định tại Bộ Luật lao động 2012 trước đây (người lao động chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong một số trường hợp được pháp luật quy định và đồng thời phải đáp ứng về thời hạn báo trước), thì nay, theo quy định mới của Bộ Luật lao động 2019, người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do, chỉ cần đảm bảo về thời hạn báo trước.
Ngoài ra, Bộ Luật lao động 2019 còn bổ sung nhiều điểm mới khác như: tăng thời gian làm thêm tối đa theo tháng lên 40 giờ/1 tháng, ngày Quốc khánh người lao động được nghỉ 02 ngày hưởng nguyên lương,...
Tuy nhiên, bên cạnh đó, người lao động cũng cần phải lưu ý việc thực hiện đúng trách nhiệm của mình đã quy định trong hợp đồng lao động, vì Luật cũng có quy định người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước trong hai trường hợp sau đây (quy định tại khoản 3, Điều 36 Bộ Luật lao động 2019):
- Người lao động không có mặt tại nơi làm việc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động;
- Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên (trường hợp được coi là có lý do chính đáng chỉ bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động).
Đây là nội dung mới, khác với quy định của Bộ Luật lao động 2012 (Luật năm 2012 hiện vẫn đang quy định trong mọi trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ, người sử dụng lao động phải tuân thủ quy định về thời hạn báo trước đối với người lao động). Như vậy, với quy định mới này, người lao động cần đặc biệt lưu ý việc tuân thủ kỷ luật lao động, không được tự ý bỏ việc, vắng mặt tại nơi làm việc quá thời hạn quy định. Khi có việc đột xuất, người lao động cần có sự thông báo và thỏa thuận với người sử dụng lao động để tránh trường hợp bị cho nghỉ việc mà không được báo trước.
Trên đây là một số điểm nổi bật của Bộ Luật lao động 2019 có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động mà mọi người cần lưu ý. Các nội dung bạn đọc còn chưa rõ, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.
...............................................................
CÔNG TY LUẬT TNHH THUẾ VÀ LUẬT HÀ NỘI
Toà nhà số 14 Khúc Thừa Dụ, Cầu Giấy, Hà Nội.
0917.157.698 - 052.234.8879 hoặc (024) 22. 159.123