Chế định luật sư công tại Việt Nam: Cơ hội để nghề luật sư đóng góp tích cực vào việc xây dựng một nền tư pháp công bằng, minh bạch
Liên quan tới vấn đề "Chế định luật sư công tại Việt Nam", Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thuế và Luật Hà Nội đã có bài chia sẻ quan điểm, được đăng tải tại Tạp chí Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
(LSVN) - Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là quyền tiếp cận công lý của người dân, đặc biệt là những nhóm yếu thế còn những hạn chế. Từ góc nhìn thực tiễn hành nghề luật sư, việc hình thành thiết chế luật sư công trong hoạt động trợ giúp pháp lý là một giải pháp cần thiết để bảo đảm quyền lợi pháp lý cho mọi tầng lớp Nhân dân.
Những lần trăn trở với nghề
Hơn 20 năm gắn bó với nghề luật, phải đối mặt với nhiều thăng trầm, tác giả đặc biệt trăn trở với những hoạt động trợ giúp pháp lý. Điển hình như: Tư vấn, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em ở huyện ngoại thành Hà Nội thoát khỏi bạo lực gia đình khi thực hiện công tác trợ giúp pháp lý theo chương trình trợ giúp pháp lý của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội. Hay những vụ việc đòi lại đất đai của những người dân nghèo trong những buổi tư vấn tiếp dân tại Trụ sở tiếp dân Trung ương - Thanh tra Chính phủ.
Do đó, tác giả đặc biệt muốn nhấn mạnh và tập trung khai thác góc nhìn luật sư công trong hoạt động trợ giúp pháp lý tại Việt Nam.

Ảnh minh họa.
Hình thành thiết chế luật sư công trong trợ giúp pháp lý tại Việt Nam
Tại Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, một trong các nhiệm vụ, giải pháp lớn được Nghị quyết đề ra là đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển.
Trong đó đáng chú ý, Nghị quyết nêu rõ, nghiên cứu hình thành chế định luật sư công và cơ chế có điều kiện cho phép viên chức được hành nghề luật sư; bảo đảm việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Luật sư công được hiểu là những luật sư hoạt động trong một cơ chế do Nhà nước thiết lập, với nhiệm vụ chính là cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí hoặc chi phí thấp cho các đối tượng yếu thế, góp phần bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật của người dân. Mô hình này phổ biến tại nhiều quốc gia như Mỹ (Public Defenders) hoặc một số nước châu Âu và thực tế chứng minh mô hình này thực sự đem lại hiệu quả trong hoạt động trợ giúp pháp lý.
Tại Việt Nam đã phát triển hệ thống trợ giúp pháp lý nhà nước thông qua các Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước (là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Thực tế công tác trợ giúp pháp lý vẫn còn tồn tại một số hạn chế khi vẫn còn đó một số đối tượng có nhu cầu trợ giúp pháp lý, không có đủ điều kiện sử dụng dịch vụ pháp lý có thu phí nhưng lại không thuộc các đối tượng thuộc diện được TGPL như hộ cận nghèo, người khuyết tật..., chất lượng trợ giúp pháp lý chưa đồng đều. Số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý đánh giá chưa được nhiều, công tác thẩm định, đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc TGPL còn chưa được quan tâm đúng mức... Ngoài ra, đối với nhiều người dân, đặc biệt là người lao động, người sống tại vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận dịch vụ pháp lý chất lượng vẫn gặp khó khăn do chi phí cao hoặc thiếu thông tin.
Do đó, mục tiêu phát triển trợ giúp pháp lý là một vấn đề được chú trọng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với số lượng đội ngũ luật sư hiện tại của Việt Nam và thực tiễn công tác trợ giúp pháp lý nêu trên, tác giả tin chắc rằng việc hình thành thiết chế luật sư công sẽ đem lại những hiệu quả tích cực.
Lợi ích của việc hình thành thiết chế luật sư công
Thứ nhất, bảo đảm công bằng xã hội. Thiết chế luật sư công sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi cho người yếu thế, giúp mọi công dân có thể được tiếp cận pháp luật một cách bình đẳng.
Thứ hai, giảm “áp lực” cho hệ thống trợ giúp pháp lý Nhà nước. Một số Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước ở một số địa phương hiện nay bị quá tải. Đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý còn ít so với nhu cầu được trợ giúp pháp lý của người dân. Các luật sư thuộc các Đoàn Luật sư là một nguồn lực sẵn có và có chuyên môn có thể hoàn thành tốt công tác trợ giúp pháp lý.
Thứ ba, nâng cao hình ảnh và trách nhiệm xã hội của nghề luật sư. Mô hình luật sư công mở ra cơ hội để các luật sư nói riêng và nghề luật sư nói chung thực hiện sứ mệnh công lý, vai trò xã hội nhằm góp phần xây dựng niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật.
Kiến nghị từ góc nhìn thực tiễn hành nghề
Để xây dựng và thiết lập một thiết chế luật sư công cần chú trọng tới vấn đề ban hành quy định cụ thể để luật hóa vai trò của luật sư công trong hệ thống pháp luật Việt Nam; đồng thời mở rộng phạm vi hỗ trợ bao gồm các vụ án dân sự, lao động, hôn nhân gia đình và bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nhỏ.
Bên cạnh đó, có thể tổ chức thí điểm triển khai tại một số địa phương có nguồn lực và nhu cầu cao, có sự giám sát, quản lý chặt chẽ từ các cơ quan, ban, ngành để bảo đảm chất lượng dịch vụ.
Tập trung trong việc đào tạo và phát triển nhân lực, đặc biệt xây dựng các chương trình đào tạo chuyên biệt hướng tới một số kỹ năng đặc thù như tư vấn pháp luật cho cộng đồng, tư vấn và tham gia giải quyết các tranh chấp phức tạp; đồng thời khuyến khích và đẩy mạnh hơn nữa hoạt động trợ giúp pháp lý tại các tổ chức hành nghề luật sư.
Tác giả cho rằng, việc hình thành thiết chế luật sư công không chỉ là một bước tiến lớn trong việc bảo đảm công bằng pháp lý mà còn là sự đầu tư cần thiết để xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, để mô hình này vận hành hiệu quả, cần có sự đầu tư nghiêm túc về cơ chế, nguồn lực và sự hợp tác giữa Nhà nước với các tổ chức hành nghề luật sư. Từ góc nhìn thực tiễn, đây không chỉ là một trách nhiệm xã hội mà còn là cơ hội để nghề luật sư đóng góp tích cực hơn vào việc xây dựng một nền tư pháp công bằng và minh bạch.
Luật sư NGUYỄN THỊ THU HOÀI
Phó Trưởng Ban Chính sách luật sư
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
CÔNG TY LUẬT TNHH THUẾ VÀ LUẬT HÀ NỘI
Toà nhà số 14 Khúc Thừa Dụ, Cầu Giấy, Hà Nội.
0917.157.698 - 052.234.8879 hoặc (024) 22. 159.123
Cùng chuyên mục
- Ngăn chặn hàng giả: Cuộc chiến cần sự chung tay từ cộng đồng
- Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài và Công ty Luật TNHH Thuế và Luật Hà Nội Luật vinh dự nhận Bằng khen của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đoàn Luật sư (1984 - 2024)
- Tuyên truyền pháp luật tại Trường THCS Hoàng Hoa Thám, hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam 09/11/2023
- Sự phối hợp, vai trò của báo chí và luật sư trong công tác xây dựng, tuyên truyền pháp luật về chống hàng giả và gian lận thương mại
- Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại