logo HANOILUAT

CONSULTANT & SOLUTIONS

PHÂN TÍCH CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN ĐẦU TƯ TIỀN ẢO TẠI VIỆT NAM

Vừa qua, với sự kiện tối ngày 11/05 trang cá nhân của một số nghệ sỹ nổi tiếng ở Việt Nam như Ngọc Trinh, Nam Thư, Lê Dương Bảo Lâm, Kiều Minh Tuấn,... đăng bài viết nhắc đến Dogecoin, Shiba Inu, FXT Token cùng nhiều đồng tiền mã hóa nhưng ngay sáng ngày 12/05 thì các bài đăng đồng loạt biến mất. Sau đó vào ngày 19/05, các đồng tiền kỹ thuật số đã đồng loạt giảm mạnh sau khi Trung Quốc nhắc lại lệnh cấm các định chế tài chính và công ty thanh toán cung cấp dịch vụ liên quan tới tiền kỹ thuật số do những rủi ro mà nó mang lại đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những nhà đầu tư tại Việt Nam khi không có sự hiểu biết nhưng vẫn đầu tư theo  “thần tượng”.

Để tư vấn và giải đáp thắc mắc về pháp lý xoay quanh vấn đề đồng tiền ảo bitcoin, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thuế và Luật Hà Nội đã có những chia sẻ, bình luận về quy định liên quan đến tiền ảo nhằm nâng cao kiến thức pháp lý giúp mọi người, nhất là những nhà đầu tư nghiệp dư đang tham gia vào thị trường tiền số có đủ kiến thức để thể tự bảo vệ mình trước những cám dỗ, những cam kết lợi nhuận hay những bài quảng cáo trá hình của những người nổi tiếng về bitcoin.

Ls. Thu Hoài: Chào các độc giả của Thuế và Luật Hà Nội, như các bạn cũng đã biết tiền ảo nói chung và bitcoin nói riêng đã xuất hiện vào khoảng 5, 6 năm trước và dần trở nên phổ biến trong giới công nghệ và đặc biệt là tại các thành phố lớn của Việt Nam, nhưng dạo gần đây mới trở nên sốt hơn bao giờ hết với sự quảng cáo rầm rộ của những nghệ sỹ, những người có tầm ảnh hưởng. Trong phạm vi chuyên mục này, tôi sẽ chia sẻ đến các bạn một số quy định pháp luật liên quan đến tiền ảo. Và nếu bạn là nhà đầu tư nhỏ lẻ đã đầu tư vào bitcoin hoặc đang “manh nha” muốn đầu tư bitcoin thì hãy đọc hết bài viết này để biết liệu mình có nên bắt đầu/tiếp tục đầu tư vào loại hình này không.

Thứ nhất, Bitcoin là gì?

Đồng tiền ảo Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số, được tạo ra và nắm giữ dưới dạng điện tử. Không giống như các loại tiền tệ vật chất truyền thống, như đô la hoặc euro, đồng tiền ảo bitcoin không được in ra, không được kiểm soát và không được phát hành bởi chính phủ. Thay vào đó, Bitcoin được sản xuất bởi những người sử dụng máy tính trên khắp thế giới, sử dụng phần mềm để giải quyết các vấn đề toán học. Hiện nay, tiền ảo được biết đến với tên gọi như Bitcoin hoặc các tên gọi khác như Dogecoin, Shiba Inu, FXT Token,…. Nó được sử dụng, chấp nhận làm phương tiện thanh toán và có thể chuyển nhượng, lưu trữ hoặc giao dịch điện tử giữa các thành viên trong một cộng đồng ảo cụ thể nhất định.

Thứ hai, việc phát hành, cung ứng hặc sử dụng các Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác vào việc thanh toán có hợp pháp không? Câu trả lời là: Có. Bởi

Theo khoản 1 Điều 1 - Nghị định số 80/2016/NĐ-CP, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc các đối tượng trên.

Và Công văn số 5747/NHNN-PC ngày 21/07/2017 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo như sau: tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.

Như vậy, cho đến thời điểm này, tiền ảo không được chấp nhận là một phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Theo đó, việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Cuối cùng, tôi cũng chia sẻ thêm rằng các bạn nên cảnh giác với những lời quảng cáo về bất cứ loại hình đầu tư nào khi chưa có sự hiểu biết cụ thể, chính xác về nó. Ví dụ như đầu cơ bitcoin. Tôi phải nhấn mạnh rằng: Hiện nay Nhà nước chưa cho phép lưu hành tiền điện tử, tiền ảo nên việc các nhà đầu tư sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo sẽ không được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, nếu nghệ sĩ hoặc bất cứ người nào dụ dỗ, lôi kéo, quảng bá về tiền ảo, mà gây ra hậu quả thiệt hại cho người khác là vi phạm pháp luật. Còn chưa gây hậu quả thì việc quảng bá, lôi kéo tiền ảo cũng vi phạm pháp luật do Ngân hàng nhà nước Việt Nam chưa cho phép giao dịch đồng tiền này trên thị trường.

(Bài đăng trên tài khoản facebook của một số nghệ sỹ nổi tiếng như: Ngọc Trinh, Kiều Minh Tuấn,…Nguồn ảnh: Internet)

Theo quy định tại khoản 6, Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 50 - 100 triệu đồng.

"Ngoài ra, kể từ ngày 1.1.2018, người nào thực hiện các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán gây thiệt hại sẽ bị xử lý về tội tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo điều 174 hoặc tội "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" theo Điểm h khoản 1 điều 206 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)". Cụ thể, người nào thực hiện hành vi "phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả" gây thiệt hại cho người khác từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Trường hợp gây thiệt hại từ 3 tỉ đồng trở lên thì có thể bị phạt tù đến 20 năm.

(Ngọc Trinh với bài đăng quảng cáo cho đồng tiền Doge và SHIB. Nguồn ảnh: Internet)

Với những quy định pháp lý nêu trên có thể thấy rằng pháp luật không chỉ xử lý hình sự với các đối tượng đứng ra tổ chức, mà những người tham gia vào đường dây này, kêu gọi người khác tham gia, thì họ vừa là nạn nhân, nhưng cũng đồng thời là đồng phạm với đối tượng cầm đầu. Vì vậy, họ hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự, chứ không đơn thuần là nạn nhân.

Rất mong bài viết của Hà Nội Luật sẽ giúp ích cho tất cả mọi người và nhất là những nhà đầu tư nghiệp dư, mới tham gia vào thị trường tài chính sẽ có cái nhìn tỉnh táo trước những cám dỗ của thị trường tiền số và thay đổi tư duy đầu tư: thay vì nhanh chóng, lợi nhuận cao sẽ chuyển thành chậm nhưng có lợi nhuận lâu dài. Và hơn ai hết, hãy là một nhà đầu tư thông minh, có sự đầu tư tìm hiểu thay vì đầu tư theo thần tượng- những người chưa chắc đã hiểu biết về nội dung mình quảng cáo.

Nếu có bất cứ thắc mắc hay câu hỏi pháp lý nào, các bạn có thể liên hệ ngay cho Hà Nội Luật theo số hotline/zalo: 0917.157.698

Cảm ơn và hẹn gặp lại các bạn trong những chuyên mục pháp lý tuần sau.

----------------------------------

CÔNG TY LUẬT TNHH THUẾ VÀ LUẬT HÀ NỘI

Toà nhà số 14 Khúc Thừa Dụ, Cầu Giấy, Hà Nội.

0917.157.698 - 052.234.8879 hoặc (024) 22. 159.123

luatsutuvan@hanoiluat.vn

Tin liên quan

0917157698
Zalo Logo