Từ 5/12/2020 Ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế.
Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế 2019 với nhiều điểm mới nổi bật. Trong đó các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng thương mại trong lĩnh vực quản lý thuế đang được nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm do có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người nộp thuế. Cụ thể:
1. Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế.
Điều 30 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định, Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin sau:
- Theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, Ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế bao gồm:
+ Tên chủ tài khoản;
+ Số hiệu tài khoản theo Mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp
+ Ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
Theo đó:
+ Việc cung cấp thông tin về tài khoản theo quy định trên được thực hiện lần đầu trong thời gian 90 ngày kể từ ngày 05/12/2020.
+ Việc cập nhật các thông tin về tài khoản được thực hiện hàng tháng trong 10 ngày của tháng kế tiếp.
+ Phương thức cung cấp thông tin được thực hiện dưới hình thức điện tử.
Bên cạnh đó, ngân hàng thương mại còn phải cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của pháp luật.
2. Ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp nước ngoài
Khoản 3, Điều 30 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định Ngân hàng thương mại thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (sau đây gọi là nhà cung cấp ở nước ngoài).
Tổng cục Thuế phối hợp với cơ quan có liên quan xác định, công bố tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch cho NHTM, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài và thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế. Trường hợp Ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian không thực hiện được khấu trừ, nộp thay thì có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và định kỳ hằng tháng gửi về Tổng cục Thuế theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Nghị định 126/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực kể từ ngày 05/12/2020.
----------------------------------------------------------------
CÔNG TY LUẬT TNHH THUẾ VÀ LUẬT HÀ NỘI
Toà nhà số 14 Khúc Thừa Dụ, Cầu Giấy, Hà Nội.
0917.157.698 - 052.234.8879 hoặc (024) 22. 159.123
Cùng chuyên mục
- Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào: Doanh nghiệp cần nắm được những nội dung gì?
- Chính sách hỗ trợ thuế sau thiên tai: Hướng dẫn chi tiết cho người nộp thuế
- 10 lỗi Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn thường gặp của Doanh nghiệp
- Hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg có bị xử phạt không?
- Doanh nghiệp phải xử lý như thế nào khi kê khai sai hồ sơ thuế?