Hồ sơ, trình tự, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ
1. Thành phần hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN
Sau khi đã đủ điều kiện về Doanh nghiệp khoa học công nghệ, Doanh nghiệp cần soạn một bộ hồ sơ như quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ như sau:
- Đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định;
- Văn bản xác nhận, công nhận kết quả khoa học và công nghệ của cơ quan có thẩm quyền (bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực), thuộc một trong các văn bản sau:
+ Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;
+ Quyết định công nhận giống cây trồng mới, giống vật nuôi mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới, tiến bộ kỹ thuật;
+ Bằng chứng nhận giải thưởng đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các giải thưởng về khoa học và công nghệ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp tổ chức xét tặng giải thưởng hoặc đồng ý cho tổ chức xét tặng giải thưởng;
+ Quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Giấy xác nhận hoặc giấy thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước;
+ Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ;
+ Các văn bản xác nhận, công nhận khác có giá trị pháp lý tương đương.
- Phương án sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 13/2019/NĐ-CP
2. Trình tự, thủ tục thực hiện
- Bước 1: Doanh nghiệp nộp Hồ sơ đã chuẩn bị như trên tại Cơ quan có thẩm quyền(thường là Sở Khoa học và Công nghệ nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính).
- Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải có trách nhiệm trả lời doanh nghiệp về tính hợp lệ của hồ sơ, trong đó nêu rõ tài liệu, nội dung cần sửa đổi, bổ sung và thời hạn sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa hợp lệ.
- Bước 3: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ có trách nhiệm xem xét việc cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ được cấp theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Trường hợp kết quả khoa học và công nghệ có liên quan đến nhiều ngành nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau có nội dung phức tạp cần mời chuyên gia hoặc thành lập hội đồng tư vấn thẩm định, đánh giá, thời hạn cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
* Lưu ý: Nếu trong trường hợp Sở Khoa học và Công nghệ chưa đủ điều kiện kỹ thuật đánh giá kết quả khoa học và công nghệ và có văn bản đề nghị Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ xem xét cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Thì sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm gửi công văn kèm theo toàn bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ của doanh nghiệp về Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ để cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
- Bước 4: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ có trách nhiệm công bố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan về tên, địa chỉ và danh mục sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của doanh nghiệp đó.
- Bước 5:
+ Trường hợp doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm gửi bản sao Giấy chứng nhận cho Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ và các cơ quan liên quan để thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ.
+ Trường hợp doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 NĐ 13/2019/NĐ-CP, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ có trách nhiệm gửi bản sao Giấy chứng nhận cho Sở Khoa học và Công nghệ nơi có trụ sở, chi nhánh hạch toán độc lập của doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm gửi bản sao Giấy chứng nhận cho các cơ quan liên quan để thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ.
3. Thẩm quyền tiếp nhận và cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ
Theo khoản 1 và 2 Điều 5 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP quy định thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp KHCN như sau:
- Sở Khoa học và Công nghệ nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trừ các trường hợp quy định dưới đây:
- Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp nhận hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong các trường hợp sau:
+ Các kết quả khoa học và công nghệ được hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt; có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh trong phạm vi cả nước; có vai trò quan trọng nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên vùng, nhất là môi trường, sức khỏe; hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông;
+ Doanh nghiệp được thành lập từ việc chuyển đổi tổ chức khoa học và công nghệ công lập mà đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ tại Bộ Khoa học và Công nghệ;
+ Sở Khoa học và Công nghệ chưa đủ điều kiện kỹ thuật đánh giá kết quả khoa học và công nghệ và có văn bản đề nghị Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ xem xét cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
+ Doanh nghiệp có chi nhánh, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và có văn bản đề nghị Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Cơ quan cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ thì có thẩm quyền cấp thay đổi nội dung, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Quý khách có nhu cầu tư vấn sử dụng dịch vụ pháp lý của Hà Nội Luật, vui lòng liên hệ qua:
-----------------------------------------------------
CÔNG TY LUẬT TNHH THUẾ VÀ LUẬT HÀ NỘI
Toà nhà số 14 Khúc Thừa Dụ, Cầu Giấy, Hà Nội.
0917.157.698 - 052.234.8879 hoặc (024) 22. 159.123
Cùng chuyên mục
- XỬ PHẠT ĐẾN 20 TRIỆU ĐỐNG NẾU QUẢNG CÁO THỰC PHẨM CHỨC NĂNG KHÔNG CÓ GIẤY PHÉP QUẢNG CÁO
- LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRA CỨU VÀ ĐĂNG KÝ GIẤY PHÉP QUẢNG CÁO?
- Thủ tục công bố thực phẩm chức năng sản xuất trong nước
- MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ CÔNG BỐ MỸ PHẨM MỚI NHẤT NĂM 2021 KHÔNG THỂ BỎ QUA
- ĐIỀU KIỆN ĐỂ NHÀ ĐẦU TƯ TRONG NƯỚC THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ